Gợi ý giải pháp phát triển hệ thống tài chính xanh

428

TMO – Việc thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều cản trở do mức độ hấp dẫn của những dự án đó đối với các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế chưa cao. Do vậy, cần giải quyết sự mâu thuẫn trong mục tiêu này thông qua việc triển khai các sáng kiến để gia tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư xanh.

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những mục tiêu mà hầu hết các quốc gia trên thế giới hướng đến. Tài chính bền vững là sự kết hợp giữa tài chính thuần tuý với các khía cạnh về môi trường, xã hội, quản trị và sử dụng số tiền thu được cho các mục đích cụ thể hướng đến phát triển bền vững.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Ngoài ra, tài chính xanh còn được định nghĩa là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa. Tài chính xanh là xu hướng trên toàn thế giới với sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Do vậy, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Phát thải từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định. Khung pháp lý về tài chính xanh bắt đầu được xây dựng khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 năm 2014. Đến ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật gồm một số Nghị định, Thông tư, Quyết định hướng dẫn của các Bộ, Ban, Ngành và Ngân hàng Nhà nước về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế như Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về lộ trình phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định về các danh mục dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.

Theo các chuyên gia, việc xanh hóa hệ thống tài chính được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm nhằm khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới song nhận thấy vai trò quan trọng của phát triển hệ thống tài chính xanh, Việt Nam bước đầu hướng tới sự phát triển của hệ thống tài chính xanh nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Để thực hiện được những mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế xanh thì vai trò dẫn dắt kiến tạo sẽ thể hiện ở những khía cạnh: Thực hiện tạo dựng thị trường, để thị trường hoạt động hiệu quả bằng việc tạo ra hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực. Cụ thể là, cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo khung pháp lý cho các quan hệ kinh tế – xã hội, cho phép các chủ thể thuộc chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đào tạo trong phạm vi quyền hạn sẵn sàng tạo lập một môi trường khuyến khích hoặc có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế “nâu” truyền thống sang nền kinh tế “xanh”.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành phần, khu vực kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế, chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế, chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Cơ quan chức năng cần có khả năng dự báo thể hiện trong quá trình hoạch định chính sách với tầm nhìn hệ thống để có thể phát hiện các khả năng có thể điều hòa, cân đối những yêu cầu khác nhau về nguồn lực. Cần xây dựng những chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính phù hợp cho khu vực doanh nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, xuất phát từ việc chia sẻ và hướng dẫn, cơ quan chức năng sẽ nắm rõ những hoạt động của doanh nghiệp và những tác hại mà hoạt động đó có thể ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy, phải xác định được những chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Một khía cạnh khác của nhiệm vụ chia sẻ và hướng dẫn của cơ quan chức năng thể hiện trong việc thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng thông qua việc thay đổi thói quen tiêu dùng.

Xe đạp công cộng là một trong những loại hình phương tiện giao thông xanh, thân thiện môi trường.

Cơ quan chức năng mang tinh thần doanh nghiệp trong hoạt động quản lý của mình nói chung và trong việc khuyến khích phát triển kinh tế xanh nói riêng. Theo đó, sử dụng các công cụ, lợi thế để tổ chức thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phát triển. Thực tế cho thấy, việc thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều cản trở do mức độ hấp dẫn của những dự án đó đối với các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế chưa cao. Do vậy, cần giải quyết sự mâu thuẫn trong mục tiêu này thông qua việc triển khai các sáng kiến để gia tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư xanh.

Hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh để sử dụng trong các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh. Vai trò của cơ quan chức năng trong phát triển hệ thống tài chính xanh chính là vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả.

PHẠM DUNG
Nguồn TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chia sẻ