Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức Hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – Kinh nghiệm từ VACNE

22

Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức.

Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

I. Đặt vấn đề

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng với yêu cầu quản lý mới, bởi vì:

1. Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm cao trong thực hiện cuộc cách mạng nhằm săp xếp lại tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và đội ngũ cán bộ từ trung ương đến cơ sở;

Trong các văn kiện của Đảng luôn đánh giá cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Đồng thời Đảng luôn yêu cầu, các tổ chức quần chúng nhân dân phải luôn luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, lợi ích của người dân;

2. Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 Quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý hội. Trong đó, Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các hội hoạt động. Và quan trọng là Điều 23 quy định về quyền của hội và Điều 24 quy định về nghĩa vụ của hội. Những quy định mới về tổ chức, hoạt động, quản lý hội vừa mở ra thuận lợi và thời cơ cũng như khó khăn và thách thức đối với hội;

3. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội là yêu cầu cấp thiết, là đòi hỏi từ chính nội tại của tổ chức. Thông qua đổi mới sáng tạo nội dung và phương thức hoạt động để khẳng định tổ chức còn tồn tại và tổ chức đang theo xu hướng phát triển bền vững.

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

II. Nội dung

1. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là khẳng định tổ chức tồn tại và đang phát triển bền vững

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội là yêu cầu nội tại của tổ chức. Điều đó hoàn toàn xuất phát từ lý luận và thực tiễn sau: (i) “Tôi”[1] hoạt động tức là “tôi” còn tồn tại, nhưng chưa khẳng định được là “tôi” tồn tại như thế nào? Trong thực tế, có nhiều tổ chức chỉ tồn tại một cách hình thức, mà không hoạt động; (ii) Mức độ hoạt động của tổ chức có chất lượng hay không có chất lượng đã chỉ ra sự tồn tại của “tôi” tốt hay xấu, hoàn thành hay không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ; (iii) Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội không chỉ nói lên sự tồn tại của “tôi”, mà còn nói lên mức độ tồn tại của “tôi”, và quan trọng hơn cả là nói lên “tôi” tồn tại và phát triển bền vững.

Tóm lại, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là chỉ số nói lên sự phát triển của tổ chức hội một cách bền vững.

2. Nguyên tắc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là vấn đề cần thiết, bảo đảm cho sự thành công của việc thực hiện vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Các tổ chức quần chúng của nước ta với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu của hệ thống chính trị. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đúng đắn và có hiệu quả không những bảo đảm vững chắc cho thành công trong hoạt động, mà còn phát triển, bổ sung, nhân lên sức mạnh, đồng thời phát hiện và khắc phục những điểm còn bất cập trong mọi hoạt động của tổ chức, tạo ra triển vọng phát triển bền vững trong tương lai.

Trong thực tiễn, đổi mới phải đi đôi với sáng tạo. Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý[2] để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Đổi mới sáng tạo chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, kể từ năm 1986, khái niệm đổi mới sáng tạo – với nội hàm chủ yếu là việc phát triển và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội – đã luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra trong nhiều chủ trương, đường lối, chính sách. Trải qua các kỳ đại hội, quan điểm này ngày càng được nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn.

Ở nước ta, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố kép khi nó vừa tạo ra, ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, vừa là giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đổi mới sáng tạo tuy nói hai nhưng lại là một, là cặp bài trùng, là nội hàm không thể tách rời của quá trình nâng cao chất lượng hoạt động của hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý mới.

Mặt khác, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội là quá trình làm mới nhằm nâng cao chất lượng trên những nội dung và phương thức đã có, đã làm và đang làm.

3. Nội hàm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội

Như trên đã phân tích, chất lượng của tổ chức hội phụ thuộc nhiều vào đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Nội dung và phương thức hoạt động của hội nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ, bao gồm: (i) Đổi mới chức năng, nhiệm vụ để hội là cầu nối giữa quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng. Để đổi mới nội dung này, các hội cần đổi mới phương thức hoạt động như: Nắm nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng để phản ánh với các cơ quan có liên quan; đổi mới công tác tiếp dân và công tác tư vấn, tham vấn, đối thoại với nhân dân; (ii) Đổi mới công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Để làm tốt công tác này, các hội cần đổi mới phương thức hoạt động như: Vận động chính sách, tham gia phản biện, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách và luật pháp; kịp thời phát hiện những vi phạm đến quyền lợi của người dân; chăm lo đến những đối tượng đặc thù và yếu thế trong xã hội;…; (iii) Đổi mới công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thực sự là tổ chức của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng. Để thực hiện tốt nội dung này, các tổ chức hội cần đổi mới phương thức hoạt động nhằm mở rộng tổ chức, tập hợp ngày càng đông đảo hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự (theo quy định mới của Nghị định 126 CP); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các hội khác; (iv) Đổi mới nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên nhằm đáp ứng với cuộc cách mạng tổ chức lại bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực. Để thực hiện đổi mới nội dung này, các hội cần đổi mới phương thức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ như: Đổi mới công tác tập huấn, hội thảo, hội nghị, đi cơ sở, phân công công việc, đánh giá cán bộ;…

4. Những yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội

Yếu tố là những điều kiện chủ quan và khách quan có ảnh hưởng và tác động đến đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội.

Ngoại trừ những yếu tố khách quan như: Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp liên ngành và sự hợp tác quốc tế ra thì yếu tố chủ quan thuộc về tổ chức có ảnh hưởng lớn đến đổi mới nội dung và phương thức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hội trong thời gian tới. Những yếu tố chủ quan bao gồm: (i) Uy tín, kinh nghiệm hoạt động của tổ chức; (ii) năng lực của đội ngũ cán bộ; (iii) Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho hoạt động; (iv) Việc khắc phục rào cản đổi với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; (v) Sự tham gia của hội viên và người dân. Coi sự tham gia của quần chúng vào các hoạt động vừa là yếu tố khách quan và chủ quan trong nâng cao chất lượng hoạt động hội.

5. Kinh nghiệm từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Quá trình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, VACNE rút ra mấy kinh nghiệm sau:

5.1. Đoàn kết, chung tay xây dựng ngôi nhà chung của VACNE. Đây có thể coi là kinh nghiệm quan trọng nhất được rút ra trong suốt 36 năm tồn tại và phát triển của VACNE;

5.2. Phân công rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ người phụ trách. Theo Điều lệ, VACNE có Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban thường trực (Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và Phó tổng thư ký); có thành lập các ban và các hội đồng: Ban Kiểm tra, Hội đồng Thi đua Khen thưởng, Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Ban Cộng đồng bền vững, Ban Phản biện xã hội, Ban Truyền thông môi trường.

Ban Thường vụ đã phân công các Phó chủ tịch kiêm Trưởng các ban và Chủ tịch các hội đồng.

5.3. Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đây là kinh nghiệm thể hiện công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thưỡng xuyên các hoạt động của toàn Hội và các ban, các hội đồng của Hội. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua Ban Thường vụ họp mỗi quý một lần, Ban chấp hành họp mỗi năm 1 lần đều có đánh giá nội dung và phương tức hoạt động chung của Hội và của các ban, các hội đồng.

5.4. Hoạt động luôn hướng về cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng. Trong 36 năm tồn tại và phát triển của mình, VACNE luôn hướng mọi hoạt động về các cộng đồng: Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Trường học, cộng đồng Dân cư (ở nông thôn và đô thị) và cộng đồng Tôn giáo. Nội dung và phương thức hoạt động từ cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng luôn phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người dân.

5.5. Tìm ra và khắc phục những rào cản đối với hoạt động của Hội. VACNE cho rằng, trong mọi hoạt động của mình đều có rào cản, mà rào cản lớn nhất là thiếu kinh phí, thiếu nơi làm việc, thiếu trang thiết bị, đội ngũ cán bộ nhiều tuổi,…

6. Những giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hội

Để đổi mới nội dung và phương thức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: (i) Luôn bám sát chủ trương, chính sách và luật pháp của Đảng và Nhà nước để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động truyền thông, giáo dục làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân tham gia, dân giám sát và dân thụ hưởng; (ii) Luôn quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức vững mạnh, thực sự là tổ chức của dân, do dân và vì dân; thường xuyên nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và liên kết; phân công rõ trách nhiệm của các bộ phận và cán bộ phụ trách; cần đánh giá chất lượng hoạt động của toàn hội và các ban, các hội đồng; (iii) Nghiên cứu các hoạt động hướng về cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng; huy động sự tham gia của người dân, với phương châm “không để ai đứng ngoài hoạt động của hội”; (iv) Tìm ra và có giải pháp khả thi nhằm khắc phục các rào cản, mà chủ yếu là thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động.

Đổi mới nội dung và phương thức là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý mới trong thời gian tới./.

[1] Dùng “tôi” để chỉ một tổ chức.

[2] Những chữ in nghiêng để làm rõ sự liên quan của đổi mới sáng tạo đối với nâng cao chất lượng hoạt động hội.

Nguồn VACNE

 

Chia sẻ