Hành động vì một thành phố xanh: Toàn xã hội vào cuộc

554
Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM, kết quả chưa như mong đợi. Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan và người dân đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện cuộc vận động hiệu quả hơn, góp phần xây dựng không gian xanh, thành phố xanh.

Đồng chí TRẦN KIM YẾN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Phát huy lối sống xanh

Qua giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 19 tại một số đơn vị, địa phương, tôi thấy các cấp ủy đều thành lập ban chỉ đạo và có nghị quyết, kế hoạch thực hiện, thường xuyên kiểm tra giám sát các đơn vị trực thuộc. Mặt trận và các đoàn thể đã vào cuộc quyết liệt với nhiều mô hình đa dạng, các giải pháp thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Các tổ chức tôn giáo cũng tham gia rất tốt, không chỉ xây dựng không gian xanh trong các cơ sở tôn giáo mà còn vận động giáo dân tham gia làm sạch dòng kênh, trồng cây xanh, cây kiểng.

Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả hệ thống tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân qua tin nhắn, thư điện tử về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp nâng cao ý thức của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường.

Thực hiện cuộc vận động theo Chỉ thị 19 chỉ thành công khi có sự vào cuộc, tham gia của người dân; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền, mặt trận, đoàn thể cùng sự phối hợp thực hiện giữa các lực lượng cùng thực hiện. Đặc biệt là công tác giám sát, kết hợp giữa giám sát của Đảng, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước và giám sát của nhân dân.

Việc thường xuyên tổ chức, duy trì các hoạt động, phong trào cổ vũ lối sống đẹp, lối sống xanh, sống có ích là rất quan trọng. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương cho người thân, gia đình và hàng xóm trong giữ gìn vệ sinh chung.

Cùng với đó là tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, như hạn chế sử dụng túi ni lông, đổ rác đúng nơi quy định, trồng thêm cây xanh… Chúng ta cũng cần có chính sách tài chính khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa. Chẳng hạn như ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường.

Đồng chí NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM:

Tạo chuyển biến về nhận thức, hành vi

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ của thành phố đã bám sát nội dung Chỉ thị 19 và chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường. Các cấp hội cũng duy trì và xây dựng mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: mô hình Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; mô hình vận động hạn chế sử dụng túi ni lông; phong trào “Gia đình trồng cây xanh” và tăng cường mảng xanh; xây dựng tuyến đường, hẻm đạt tiêu chí “Sạch ngõ” – tuyến đường Văn minh – mỹ quan đô thị…

Sự phối hợp kịp thời, chỉ đạo chặt chẽ giữa các cấp hội và sở, ngành đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ, cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện giá thành các sản phẩm thân thiện môi trường còn khá cao, chưa phổ biến, dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ để chuyển đổi thói quen sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần sang các vật dụng mang đi cá nhân thân thiện môi trường.

Đồng thời, thực trạng xả rác bừa bãi chưa được giải quyết triệt để, một phần do công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường chưa kịp thời và chưa thể hiện tính răn đe, giáo dục.

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC CẨM, Trưởng Khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1:

Nên mở rộng thẩm quyền xử phạt

Qua quan sát ở cơ sở sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 19, tôi nhận thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân có chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch vẫn rất phổ biến.

Theo tôi, lý do là chế tài chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, theo quy trình hiện nay, khi phát hiện hành vi xả rác, lực lượng thanh tra chỉ được lập biên bản, sau đó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn mới ra quyết định xử phạt. Như vậy, từ khi diễn ra hành vi đến khi bị phạt mất mấy ngày, tính kịp thời không còn.

Tôi cho rằng cần xem xét ủy quyền và mở rộng thẩm quyền trong việc ban hành quyết định xử phạt. Cụ thể là cho phép lực lượng quản lý trật tự đô thị, thanh tra địa bàn xử phạt “nóng” các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tận dụng tối đa dữ liệu từ hệ thống camera để phát hiện, xử lý các trường hợp xả rác ra đường và kênh rạch.

* Ông NGUYỄN KỲ PHÙNG, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TPHCM:

Ứng dụng công nghệ phát hiện điểm phát sinh rác

Qua thống kê, trên địa bàn TP Thủ Đức có 201 điểm rác phát sinh và tái phát sinh. Đến nay, có 140/201 điểm đã được xử lý triệt để.

Kết quả có được là nhờ TP Thủ Đức đã triển khai đồng bộ giải pháp, ngoài tuyên truyền còn xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư về việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường tại các dự án trên địa bàn. UBND TP Thủ Đức cũng hợp tác với sinh viên của một số trường đại học và đoàn viên, thanh niên để khảo sát thực tế, ghi nhận các điểm rác phát sinh cùng kết quả xử lý của các điểm rác phát sinh ở địa phương.

Từ đầu năm 2022, TP Thủ Đức sử dụng flycam (drone) để kiểm tra và ghi nhận các điểm rác phát sinh tại các khu vực dự án có diện tích đất trống lớn; sử dụng phần mềm GIS cập nhật thường xuyên, liên tục các điểm rác phát sinh, tái phát sinh, xác định các vị trí phát sinh rác thuộc trách nhiệm xử lý của đơn vị nào thì yêu cầu đơn vị đó xử lý, cam kết không để tái phát.

THU HƯỜNG – THÁI PHƯƠNG ghi/SGGP

NGUỒNBáo SGGP
Chia sẻ