Cần đẩy mạnh truyền thông cho người dân về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Mới đây, làm việc với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao việc triển khai thực hiện các quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân mà Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đang triển khai thực hiện.

260

Sát sao từ ngành Tài nguyên và Môi trường…

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, đơn vị này đã và đang tập trung triển khai khảo sát, xây dựng dự thảo định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nội dung này đã điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 3729/QĐ-BTNMT ngày 08/12/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành định mức tại Quyết định số 948/QĐ-BTNMT ngày 18/4/2023 do ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là Tổ trưởng, thành viên có Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Xây dựng; UBND thành phố Hà Nội; Viện Kinh tế Xây dựng, một số đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ) và các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Lê Công Thành dự và chỉ đạo tại buổi làm việc

Năm 2022, Cục đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc tại Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/05/2014 của Bộ Xây dựng quy định về định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị, đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện 17 định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tiễn (áp dụng cho chất thải rắn sinh hoạt hỗn hợp, chưa được phân loại tại nguồn).

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt

Năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phối hợp với các bên liên quan xây dựng danh mục 30 quy trình kỹ thuật, 46 định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần được triển khai xây dựng để đưa vào Dự thảo định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bao gồm: 30 quy trình kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 21 định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; 07 định mức kinh tế kỹ thuật về vận hành điểm tập kết, trạm trung chuyển, trạm phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; 03 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 08 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt (đốt phát điện, đốt thu hồi nhiệt, đốt không phát điện thu hồi nhiệt); 03 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm thành mùn; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm thành thức ăn gia súc; 02 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt xử lý chất thải cồng kềnh công suất trên 20 tấn/ngày; 02 định mức về vệ sinh thiết bị, phương tiện vận chuyển.

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, trong số 46 dự thảo định mức dự kiến nêu trên, có 06 định mức được kế thừa từ Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/05/2014 của Bộ Xây dựng về định mức dự toán thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị; 04 định mức đã được dự thảo trên cơ sở khảo sát tại thành phố Hải Phòng; 25 định mức đã dự thảo dựa vào kinh nghiệm của một số đơn vị thực hiện dịch vụ; 11 định mức chưa có dự thảo.

Thực hiện thí điểm ở địa phương trước khi làm đại trà

Để kịp thời hoàn thiện, trình ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong năm 2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tập trung triển khai 04 nội dung chính: Tổ chức khảo sát kiểm chứng, hoàn thiện 23 định mức kinh tế kỹ thuật đã được đề xuất trong năm 2023, gồm: 07 định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại bằng thủ công (tại đường phố/ngõ xóm); 07 định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại bằng cơ giới; 07 định mức kinh tế kỹ thuật về vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại với cự ly bình quân 20km; 01 định mức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh, công suất ≤  20 tấn/ngày: 01 định mức xử lý chất thải thực phẩm thành mùn công suất ≤ 200 tấn/ngày; Tổ chức khảo sát 30 quy trình kỹ thuật, 23 định mức kinh tế kỹ thuật, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm: 30 quy trình kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 07 định mức kinh tế kỹ thuật về vận hành điểm tập kết, trạm trung chuyển; 03 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; 08 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt (đốt phát điện, đốt thu hồi nhiệt, đốt không phát điện/thu hồi nhiệt); 03 định mức kinh tế kỹ thuật công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm thành mùn công suất trên 200 tấn/ngày; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm thành thức ăn gia súc; xử lý chất thải cồng kềnh công suất trên 20 tấn/ngày; 02 định mức về vệ sinh thiết bị, phương tiện vận chuyển.

Hoàn thiện dự thảo, trình ban hành 02 thông tư quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt: Tổ chức các Hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, Tổ biên tập; xin ý kiến nhà quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự kiến hoàn thiện dự thảo và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong quý III/2024, gồm 02 thông tư: Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị tại buổi làm việc

Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Triển khai xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 07 nội dung; Bao gồm: Giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại đường phố, ngõ xóm đến điểm tập kết bằng thủ công; Giá dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại đường phố, ngõ xóm đến điểm tập kết bằng cơ giới; Giá dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại các điểm tập kết đến cơ sở phân loại, tái chế, cơ sở xử lý; Giá dịch vụ vận hành điểm tập kết, trạm trung chuyển, trạm tái chế; Giá dịch vụ vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh; Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt không thu hồi năng lượng/nhiệt; Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm thành mùn/phân compost/thức ăn gia súc.

Và trách nhiệm của địa phương

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giá năm 2023 đã giao trách nhiệm chủ động, tối đa cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức triển khai thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện, cụ thể đã giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, ban hành: Quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; Định giá dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá (Định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân).

Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, để đánh giá kết quả thực hiện các quy định nêu trên tại địa phương, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký Công văn số 18022/BTNMT-KSONMT ngày 22/12/2023 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo tình hình hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành; tình hình phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn trong năm 2023; Hiện trạng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết, trạm trung chuyển trên địa bàn tỉnh đến năm 2023; Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, về vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, năm 2023, Cục đã ra dự thảo khung, hiện tại cần điều tra để kiểm chứng. Hiện nay, theo quy định, đã giao cho 63 tỉnh thành ban hành về giá thu gom chất thải sinh hoạt, trên cơ sở Bộ ban hành khung giá chung, các tỉnh sẽ ban hành định giá tối đa.

Hiện nay, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cần phải được truyền tải sâu rộng. Có nhiều địa phương, người dân đang hiểu nhầm việc này chúng ta bắt buộc áp dụng đồng loạt trên toàn quốc từ 1/1/2025. Cần hiểu, tinh thần của Luật là triển khai đồng bộ sau khi ban hành, nhưng phải tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng của mỗi địa phương sẽ lựa chọn triển khai thí điểm trước và áp dụng đại trà sau. Tức là có lộ trình và Luật, các nghị định, thông tư giao cho địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, trong đó có nội dung về lộ trình áp dụng phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, ông Thức cho biết thêm!.

Đại diện Vụ Môi trường, cũng cho biết, trong cơ chế chính sách thực hiện việc phân loại, thu gom cần có chính sách cứng và mềm. Ví dụ, việc phân loại mỗi địa phương cũng khác nhau. Cần đầu tư về hạ tầng cho đồng bộ với phân loại rác thải và có cơ chế xử lý chất thải sau khi phân loại, nhà máy xử lý chất thải, tránh tình trạng phân loại xong không biết làm gì,… các địa phương cũng cần có cơ chế kêu gọi đầu tư về xử lý chất thải,… Hơn nữa, việc triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt cần có lộ trình. Đơn cử, các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, … cũng phải mất 10 đến 20 năm mới đồng bộ, nề nếp được.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao việc triển khai thực hiện các quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân mà Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đang triển khai thực hiện.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị truyền thông nghiên cứu kinh nghiệm của các nước (Nhật, Hàn Quốc,…) để người dân hiểu và triển khai. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường lấy ý kiến của các địa phương, các Urenco khi ban hành thông tư về thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt,…

Nhất Nam / Tạp chí Tài Nguyên và Môi Trường