NGÀNH NHỰA- TRIỂN VỌNG VÀ THÁCH THỨC

88

Ngày 5 tháng 12 vừa qua, Hiệp hội nhựa Việt Nam đã tổ chức họp mặt hội viên nhằm tổng kết hành trình phát triển của ngành nhựa Việt Nam trong năm 2024, đồng  thời định hướng chiến lượt để vượt qua thách thức, nắm bắt tốt cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi xanh.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ hội viên ngành nhựa

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội nhựa. Hiện nay, có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành, trong đó 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 250.000 lao động. Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa đến hơn 170 thị trường trên thế giới. Đặc biệt, xuất khẩu nhựa sang Mỹ – thị trường lớn nhất của ngành – cùng các thị trường tiềm năng như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ, đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 6,57 tỷ USD, tăng 26,79% so với năm 2023.Dự kiến sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn trong năm 2024 và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 8,44%. Doanh thu ngành năm 2024 dự kiến đạt 31 tỷ USD, tăng 23.9% so với năm trước.

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn quan trọng đối với ngành nhựa Việt Nam, khi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ biến động của nền kinh tế toàn cầu, sự thay đối trong nhu cầu của người tiêu dùng và các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt, tuy nhiên ngành Nhựa Việt nam vẫn duy trì đà phát triển ổn định nhờ vào khả năng thích ứng và sự đổi mới không ngừng trong công nghệ sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhựa sinh học, tái chế và sản xuất thân thiện môi trường.

Ông Đinh Đức Thắng chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam nhiệm kỳ mới

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và tiêu chuẩn sản xuất bền vững cũng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam phát triển, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế đồng thời chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng đang có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, giúp ngành nhựa có thể vuợt qua các thách thức về môi trường và phát triển bền vững.

Ngành Nhựa hướng đến chuyển đổi xanh và hội nhập sâu rộng

Với xu hướng tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa tái chế và thân thiện môi trường đang mở ra cơ hội lớn cho ngành nhựa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời Các hiệp định như EVFTA, CPTPP, RCEP không chỉ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn là động lực để nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Theo đó các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như Quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và các chính sách ưu tiên đầu tư tái chế, đổi mới công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để ngành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Ngành nhựa Việt Nam hiện nay được chia ra 3 phân khúc rõ rệt bao gồm Nhựa bao bì: Chiếm 35% sản lượng, dẫn đầu về xuất khẩu.Nhựa kỹ thuật: Chiếm 18%, ứng dụng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như ô tô, điện tử, và y tế. Nhựa gia dụng: Đáp ứng 22% nhu cầu tiêu thụ nội địa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật. Nhựa xây dựng: Chiếm 25%, tập trung vào sản xuất ống nhựa và vật liệu xây dựng.

Vai trò của Hiệp hội Nhựa Việt Nam trong ngành nhựa hiện nay là rất lớn; Là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã không ngừng nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Là thành viên của các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Công nghiệp Nhựa ASEAN (AFPI), Diễn đàn Nhựa Châu Á (APF) và Hiệp ước Nhựa Toàn cầu (WPC), VPA đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác khu vực.

Tại buổi gặp gỡ hội viên, Ông Đinh Đức Thắng với trò mới là chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cam kết mạnh hơn về số hóa ngành nhựa, đẩy mạnh công tác truyền thông hỗ trợ cho ngành nhựa đi đúng và phát triển mạnh mẽ, và với châm ngôn “giữ nhựa trong nền kinh tế nhưng ngăn nhựa chảy vào đại dương” .

Bà Huỳnh Thị Mỹ- PCT Kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam

Bà Huỳnh Thị Mỹ Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký cũng phát biểu rất quyết liệt” doanh nghiệp nên tăng cường hợp tác với hiệp hội để nắm rõ những thay đổi về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp không bị lừa khi hợp tác với nước ngoài và nhằm tăng thêm tính minh bạch với khách hàng.

Bên cạnh triển vọng phát triển đưa ngành nhựa vươn xa thì ngành nhựa Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh từ thị trường quốc tế, yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao và sự thay đổi của chính sách thương mại toàn cầu. Chính vì thế Hiệp hội Nhựa Việt Nam với vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành và các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục là lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Với phương hướng hoạt động cụ thể. Hiệp hội kỳ vọng sẽ giúp ngành nhựa Việt Nam đạt đủ tiêu chuẩn quốc tế đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển xanh trong những năm tới, nỗ lực đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp để ngành nhựa Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế tại khu vực mà còn hướng tới trở thành một trong những ngành công nghiệp xanh hàng đầu trên thế giới.

Chia sẻ