Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra trong bối cảnh Thành phố chủ động mời gọi đầu tư 28 dự án có có quy mô 160.000 tỷ đồng phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.
Hướng đến tăng trưởng xanh…
Sự kiện xúc tiến đầu tư có sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức chuyên môn, cùng các đại diện sở, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam… Tại sự kiện, loạt dự án được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chú trọng giới thiệu đối với các lĩnh vực hạ tầng đô thị, công nghệ môi trường, nghiên cứu phát triển…
Cụ thể, với hạ tầng xanh, có 4 dự án nhà máy xử lý nước thải cùng nhiều dự án cải tạo kênh rạch, nâng cấp và xây mới cầu, đường, chung cư được mời gọi. Đặc biệt, 2 dự án hàng đầu cần sự quan tâm của các nhà đầu tư và chuyên gia chung tay là: dự án Quản lý ngập nước tại TP. Thủ Đức và dự án Chương trình carbon thấp.
Trong đó, quản lý ngập là một dự án lớn, cấp thiết, tiền đề để nhân rộng ra và áp dụng thực tiễn sau đó. Chỉ riêng giai đoạn 1 đã gồm 3 hợp phần, với nhiều hạng mục cần triển khai như: Xây dựng hệ thống thông tin lũ lụt, nhà máy xử lý nước thải công suất 80.000 m3/ngày, 30 km kênh lộ thiên và hệ thống ống ngầm, cùng nhiều công đoạn khác.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Viện Môi trường -Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn hơn 60 triệu tấn CO2.
Trong đó, 3 nguồn thải chính là hoạt động công nghiệp (gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Thành phố cũng đang đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khó khăn kinh tế,…
Vì vậy, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển, đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá mục tiêu này là “tham vọng, nhưng có thể thực hiện được điều đó với chiến lược phù hợp để thúc đẩy quá trình dịch chuyển”.
Ông Đoàn Mạnh Thắng – Giám đốc ngành Nước và Quy hoạch – Haskoningdhv Việt Nam, liên danh tư vấn lập quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh cho biết, Liên danh tư vấn này đang xác định kịch bản phát triển kinh tế khả thi của Thành phố là tăng trưởng GDP bình quân 8,3% mỗi năm, giai đoạn 2021 – 2030, với quy mô dân số (gồm cả tạm trú) gần 12 triệu người đến 2030.
Điều này đòi hỏi việc đầu tư phải tương ứng, ước tính cần 316 tỷ USD đến 2030, với 25% vốn ngân sách, để phát triển kinh tế – xã hội gắn với xanh, bền vững. Ông Thắng khuyến nghị, ưu tiên đầu tư công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, du lịch, logistics và bán lẻ hiện đại.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không thúc đẩy mạnh mẽ các dự án theo tiêu chí xanh và kỹ thuật số “không thể nào đạt được phương án tăng trưởng 8,3% giai đoạn 2021 – 2030” trong kịch bản của Liên danh tư vấn.
Cần chú trọng những hiến kế và hành động cụ thể
Theo ước tính của World Bank, TP. Hồ Chí Minh thiệt hại kinh tế 250 triệu USD mỗi năm vì ngập và có thể tăng lên mức trên 300 triệu USD. “Chúng ta cần bảo vệ sự phát triển kinh tế của thành phố bằng cách quản lý ngập tốt”. Giám đốc WB – Bà Carolyn Turk đã nói tại hội nghị.
Đồng thời, để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư, Bà Carolyn Turk còn chỉ ra những vấn đề thách thức về tài chính cho chuỗi cung ứng xanh, nâng cấp các tài sản để đạt chỉ tiêu về hiệu quả năng lượng, hiệu suất vận hành cho TP. Hồ Chí Minh.
Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam, Invest International Hà Lan cũng bày tỏ quan tâm và mong chờ phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương.
Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại TP. Hồ Chí Minh thì mong muốn hợp tác phát triển nguồn lực cho TP. Hồ Chí Minh với mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng, xây dựng các yếu tố xanh, bố trí mô hình đô thị, phát triển cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) muốn tìm hiểu thêm cơ hội đầu tư điện mặt trời áp mái sau khi đã lắp pin mặt trời cho nhà máy của họ tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. “Chúng tôi kiến nghị Thành phố có những dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn để hợp tác và có những hướng dẫn chính sách cụ thể hơn trong lĩnh vực này để tham gia”. Đại diện doanh nghiệp này nói.
Đặc biệt, ông Phan Ngọc Ánh – Giám đống Công ty Năng lượng ALENA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ năng lượng mới TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay có rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường liên quan đến giao thông, các phương tiện giao thông cần chú trọng giải quyết.
Đơn cử, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, một xe máy di chuyển 10.000km/năm sẽ phát thải 625kg CO2/năm. Nếu chúng ta chuyển đổi sang 10.000 xe điện/năm sẽ giảm 6250 tấn CO2/năm, và nếu chuyển đổi 100.000 xe điện/năm sẽ giảm 62 triệu tấn CO2/năm – đây là con số rất lớn mà TP. Hồ Chí Minh cần chú ý!
Theo đó ông Ánh đề xuất mở trạm sạc cho pin xe điện và xe máy có thể đổi pin mà không cần phải sạc. Các trạm sạc sử dụng điện mặt trời để sạc pin, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch 100%.
Hiện công ty ALENA đã cung cấp các chứng nhận chứng chỉ năng lượng tái tạo cho các tập đoàn đa quốc gia, đăng ký các tín chỉ năng lượng tái tạo (REC), tín chỉ CO2 và có thể phối hợp với TP. Hồ Chí Minh hay Ngân hàng thế giới (WB) để thương mại hóa tín chỉ, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và TP. Hồ Chí Minh.
Giám đốc Công ty ALENA bày tỏ, chúng tôi mong muốn TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cơ chế cung cấp mặt bằng để phát triển các trạm đổi pin và gắn điện mặt trời. Mặt bằng này có diện tích vừa và nhỏ như máy bán nước tự động, giúp TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi năng lượng xanh, tận dụng để phát triển kinh tế xanh mạnh mẽ.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi phương tiện giao thông để giảm phát thải là ưu tiên hàng đầu mà Thành phố cần chú trọng trước những sáng kiến chuyển đổi hay xử lý khí thải của phương tiện giao thông, tiến tới chuyển đổi giảm phát thải của xe máy, xe buýt hay xe công ở các cơ quan trên địa bàn,… Chính vì vậy, các sở, ban ngành, cần liên hệ trực tiếp với đối tác để triển khai nhanh, hiệu quả trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị cho việc phát triển các tòa nhà xanh, phát triển điện áp mái, chuyển đổi năng lượng, vấn đề trao đổi tín chỉ carbon,… Đáng chú ý, khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, Thành phố đã đạt được kết quả nhiều hơn so với 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 trước đây.
“Những hiến kế của các tổ chức, các chuyên gia trong, ngoài nước, sắp tới TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai tập trung hơn, khẩn trương hơn và có kết quả cụ thể hơn, nhằm thúc đẩy nhanh chóng đạt được mục tiêu TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng xanh”. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nguyễn Kiên